Khổ nạn không hẳn là cái tội, nó có thể giúp con người ta được tôi luyện nhiều hơn, tầm nhìn cũng nhờ đó mà rộng mở và sâu sắc hơn…
Vì sao ngọc trai mềm yếu lại có thể tạo thành trân châu?
Khi những hạt cát lọt vào trong con trai, nó dù cảm thấy rất khó chịu nhưng nó không thể đẩy hạt cát ra ngoài. Đối diện với nỗi đau ấy, con trai không hề bấn loạn, nó lặng thầm dùng dinh dưỡng trong cơ thể mình để bao bọc lấy hạt cát, từng lớp từng lớp… Dần dần, nỗi đau đã biến hạt cát trở thành một viên minh châu mỹ lệ.
Ở đời có câu “Có đắng cay mới biết ngọt bùi”. Vì vậy, khổ thật ra không phải là cái tội, con người có khổ mới cảm nhận được hạnh phúc, cảm nhận được nỗi đau của người khác, và biết suy nghĩ cho người khác nhiều hơn.
Một vị giám đốc, một nhà lãnh đạo điều hành mà đi lên từ gian khó thì thường sẽ thấu hiểu nỗi khó khăn của người làm công, chính vì vậy mà họ thương yêu nhân công của mình hơn, họ biết trân quý sức lao động, công ty họ cũng nhờ đó mà được bền vững.
Một mầm non vươn lên giữa kẽ nứt của đá và trở thành một cây xanh tươi tốt xinh đẹp, ai cũng ngưỡng mộ sự mạnh mẽ và vẻ đẹp của nó. Con người cũng vậy, khi được tôi luyện giữa giông ba bão tố hay môi trường khắc nghiệt thì như một viên ngọc lấp lánh, nhờ được mài dũa chăm chút mà tỏa sáng. Cổ ngữ có câu: “Qua cơn bĩ cực, đến hồi thái lai”. Cái ‘thái lai’ khi trải qua cơn ‘bĩ cực’ mới thật sự quý giá, bởi lăng kính nhìn đời của người đó đã trở nên sâu sắc hơn, chín chắn hơn và tĩnh lặng hơn. Có câu chuyện về ba người con lớn lên trong một gia đình có bố mẹ thường xuyên cãi vã. Người con đầu tiên rất đau khổ và tự hứa sẽ không bao giờ lập gia đình, bởi vậy cô sống cô độc cả một đời. Người con thứ hai thì học theo thói của cha, thường hay mắng chửi vợ vì anh xem điều đó là hiển nhiên, cuối cùng gia đình ly tán. Còn người con thứ ba thì lại khác, anh hứa sẽ thương yêu vợ con và không bao giờ hành xử như cha mình, bởi vậy đã có một cuộc sống hôn nhân vô cùng tốt đẹp. Cùng một nghịch cảnh nhưng lại sinh ra những số phận khác nhau, bởi quan trọng là trong nghịch cảnh đó người ta có cách nghĩ như thế nào.
Cuộc sống này là vậy, mười phần thì có đến tám, chín phần không như ý. Khó khăn, nghịch cảnh là không thể tránh được trong đời, tuy nhiên trong nghịch cảnh ấy bạn muốn trở thành một người như thế nào, đó mới chính là điều quyết định. Bạn sẽ mỉm cười đón nhận và khảng khái vươn lên như mầm xanh tươi tốt trên kẽ đá, hay sẽ ủ rũ cúi mình thừa nhận thất bại?
Hãy đừng vội oán trách nghịch cảnh ấy, vì nó có thể giúp bạn cảm nhận được người khác nhiều hơn, được sống chậm lại và sâu sắc hơn, được biết hạnh phúc từ những điều giản đơn nhất, được biết yêu thương và trân trọng những sự nỗ lực cố gắng của chính mình nhiều hơn nữa. Nghịch cảnh ấy chính là đang tôi luyện sức sống kiên cường của chính bạn.
Trong công việc hay trong cuộc sống xét lại để duy trì một mối quan hệ lâu dài nếu không là “đôi bên cùng có lợi” thì cũng ít nhất đừng để ảnh hưởng tới nhau.
Có như vậy mới bền, đừng “mãi nhờ vả”, “mãi ăn sẵn”, chiếc kẹo được cho chỉ nên ăn cho biết vị, còn muốn có kẹo ăn mãi thì nhất định phải tự kiếm, tự làm mà ăn.
Cuộc đời có người cho mình cái cần câu cá đã là rất biết ơn rồi, đừng mong có người “dâng cá tới tận miệng”.
Nghịch cảnh tạo nên anh hùng, khó khăn tạo nên sự cố gắng, cạnh tranh tạo nên sự phát triển, hãm hại tạo nên sự thông minh, chẳng có anh hùng nào mà đường đời trải đầy hoa hồng...
Vậy nên đừng đổ tội cho nghịch cảnh cũng đừng đổ tội cho người khác. Có chăng là mình chưa đủ bản lĩnh thôi!
Comments